Lịch sử hoạt động USS Carpenter (DD-825)

1950 – 1953

USS Carpenter trong cấu hình ban đầu, 1953

Đang khi được trang bị hoàn thiện tại Xưởng hải quân Norfolk, ký hiệu lườn của Carpenter được đổi thành DDE-825 và xếp lại lớp như một tàu khu trục hộ tống vào ngày 4 tháng 3 năm 1950. Giống như các tàu chị em Basilone, Epperson và Robert A. Owens, Carpenter thực hiện chuyến đi chạy thử máy và huấn luyện chống tàu ngầm tại khu vực vịnh Guantánamo, Cuba vào mùa Xuân năm 1950. Nó được điều động sang khu vực Thái Bình Dương vào ngày 26 tháng 6, băng qua kênh đào Panama vào ngày 1 tháng 7, và đi đến cảng nhà mới là Trân Châu Cảng thuộc quần đảo Hawaii vào ngày 13 tháng 7.[10]

Cho dù xung đột đã nổ ra vào ngày 25 tháng 6 năm 1950, do việc quân đội Bắc Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38 tấn công xuống lãnh thổ Nam Triều Tiên, Carpenter vẫn được giữ lại khu vực Hawaii và được phân về một lực lượng tìm-diệt tàu ngầm. Nó hoạt động từ Trân Châu Cảng trong các cuộc thực tập thử nghiệm nhằm phát triển vũ khí và chiến thuật chống tàu ngầm.[10]

Carpenter bắt đầu lượt phục vụ đầu tiên tại vùng chiến sự vào ngày 4 tháng 2 năm 1952, khi nó rời Trân Châu Cảng để hướng sang khu vực Tây Thái Bình Dương. Sau khi đi đến Yokosuka, Nhật Bản, nó tiến hành tập trận tìm-diệt tàu ngầm tại vùng biển ngoài khơi Okinawa trước khi trình diện để phục vụ cùng Lực lượng Đặc nhiệm 77 từ ngày 3 tháng 3. Hoạt động cùng lực lượng tàu sân bay nhanh, nó hộ tống bảo vệ và chống tàu ngầm cho các tàu sân bay, xen kẻ với hai chuyến đi đến cảng Wonsan đến đón những phi công bị bắn rơi gia nhập trở lại lực lượng đặc nhiệm.[10]

Sau khi hoàn tất một lượt tuần tra eo biển Đài Loan trong tháng 4, Carpenter gia nhập Đội đặc nhiệm 95.1 thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 95, lực lượng hộ tống và phong tỏa Liên Hiệp Quốc, để hoạt động tại khu vực Hoàng Hải. Phục vụ cùng một lực lượng đa quốc gia bao gồm những tàu chiến thuộc Hải quân Hoàng gia Anh, AustraliaCanada, nó đã hộ tống cho các tàu sân bay trong các hoạt động không kích cũng như trực tiếp tham gia bắn phá bờ biển, bao gồm hoạt động tại đảo Ch’o Do thuộc Nampo.[10]

Carpenter quay trở về Trân Châu Cảng để được bảo trì và cải biến, và sau đó tiến hành các hoạt động huấn luyện tại chỗ tại vùng biển Hawaii trong tháng 7tháng 8. Nó lên đường đi Eniwetok vào tháng 9 để tham gia Chiến dịch Ivy, hai cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch trên tầng khí quyển. Trong quá trình thử nghiệm, nó đã tuần tra chống tàu ngầm nhằm ngăn chặn tàu ngầm Liên Xô trinh sát cuộc thử nghiệm, và cũng bảo vệ và canh phòng máy bay cho tàu sân bay hộ tống Rendova (CVE-114) trong các hoạt động tuần tra và trinh sát suốt khu vực. Hoàn tất thử nghiệm vào ngày 16 tháng 11, nó được giám sát khử phóng xạ trước khi khởi hành đi Trân Châu Cảng vào ngày hôm sau, đến nơi vào ngày 24 tháng 11.[10]

Carpenter hoạt động thường lệ tại khu vực quần đảo Hawaii cho đến tháng 5 năm 1953, khi nó lại được phái sang Viễn Đông để hoạt động cùng Lực lượng Đặc nhiệm 77. Gặp gỡ tàu tuần dương hạng nhẹ Manchester (CL-83) vào đầu tháng 6, nó tiếp tục hướng sang vùng biển ngoài khơi Bắc Triều Tiên và làm nhiệm vụ bắn phá bờ biển xuống các vị trí đối phương tại cảng Hŭngnam vào ngày 12 tháng 6. Con tàu đã chịu đựng khoảng 12 phát đạn pháo 75 mm từ một khẩu đội pháo bờ biển đối phương nhắm tới, nhưng không bị bắn trúng và không chịu đựng hư hại hay thương vong nào.[1][10]

Sau một giai đoạn được bảo trì tại Sasebo, Nhật Bản, Carpenter phục vụ hộ tống cho các tàu sân bay nhanh trong tháng 7. Sau khi quay trở lại Yokosuka cho một đợt tái trang bị ngắn vào ngày 29 tháng 7, nó lên đường vào ngày 11 tháng 8 cho một đợt tuần tra tại eo biển Đài Loan, bao gồm việc hộ tống bảo vệ cho tàu sân bay Boxer (CVA-21)thiết giáp hạm New Jersey (BB-62) cũng như theo dõi nhiều mục tiêu là máy bay Không quân Trung Quốc trên màn hình radar. Quay trở về Kobe, Nhật Bản vào ngày 6 tháng 9, con tàu hoạt động tuần tra chống tàu ngầm và hộ tống bảo vệ tại vùng biển Triều Tiên trong hai tháng tiếp theo.[10]

1954 - 1959

Khởi hành từ Yokosuka vào ngày 30 tháng 10, 1953, Carpenter đi đến Trân Châu Cảng cho một lượt tái trang bị và sửa chữa nhỏ, tiếp nối bằng hoạt động thực hành chiến thuật va huấn luyện thủy thủ đoàn, kéo dài cho đến mùa Hè năm 1954, khi nó lên đường đi sang khu vực Tây Thái Bình Dương. Khi xảy ra vụ Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 1 vào tháng 9, do phía Trung Quốc nả pháo xuống các đảo Mã TổKim Môn còn do phe Quốc dân Đảng dưới quyền Tưởng Giới Thạch chiếm đóng, chiếc tàu khu trục đã tuần tra tại eo biển Đài Loan trong 13 ngày căng thẳng, cho đến khi vụ khủng hoảng lắng dịu. Nó tiếp tục ở lại khu vực này trong ba tháng tiếp theo, hộ tống cho Boxer và tiến hành nhiều đợt thực hành chống tàu ngầm cũng như tuần tra eo biển Đài Loan. Vào tháng 1, 1955, nó trợ giúp cho lực lượng Trung Hoa dân quốc (Đài Loan) triệt thoái khỏi quần đảo Đại Trần.[10]

USS Carpenter vào năm 1957

Quay trở về khu vực Hawaii vào mùa Xuân năm 1955, Carpenter tiếp nối các hoạt động thường lệ tại chỗ và thực hành chống tàu ngầm từ Trân Châu Cảng. Nó khởi hành vào ngày 4 tháng 1, 1956 cho lượt hoạt động thứ tư tại khu vực Tây Thái Bình Dương, hoạt động huấn luyện chống tàu ngầm cùng các đơn vị thuộc Đệ Thất hạm đội từ Yokosuka, rồi viếng thăm các cảng PhilippinesHong Kong, cũng như hoạt động phối hợp cùng các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Australia.[10]

Quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 9 tháng 6, Carpenter được đại tu trước khi tiếp nối nhịp điệu hoạt động huấn luyện và thực tập thường lệ. Nói rời vùng biển Hawaii vào ngày 15 tháng 3, 1957 cho một chuyến viếng thăm thiện chí đến khu vực Nam Thái Bình Dương, ghé qua Samoa thuộc Mỹ; đảo Manus tại quần đảo Admiralty; và Sydney, Australia trước khi quay trở về Hawaii vào ngày 28 tháng 8. Trong mùa Thu năm đó, con tàu trải qua một đợt đại tu khác, khi nó được trang bị hai pháo phòng không 3-inch/70 caliber Mark 26 bắn nhanh để thử nghiệm và đánh giá.[10]

Carpenter tiếp tục nhịp điệu hoạt động này trong ba năm tiếp theo, hoạt động thường lệ tại chỗ từ Trân Châu Cảng trước khi được bố trí hoạt động cùng một đội đặc nhiệm tìm-diệt chống tàu ngầm ngoài khơi Nhật Bản, rồi quay trở về cảng nhà để sửa chữa. Nó có lượt hoạt động tiếp theo tại khu vực Tây Thái Bình Dương từ tháng 4 đến tháng 9, 1958, rồi hoạt động huấn luyện và đại tu cho đến tháng 3, 1959. Con tàu đã hoạt động huấn luyện trong sáu tuần lễ trước khi có một đợt biệt phái khác vào tháng 7, nơi nó hoạt động tìm-diệt chống tàu ngầm cùng các tàu sân bay Hornet (CVS-12)Kearsarge (CVS-33), trước khi quay trở về nhà vào tháng 12.[10]

1960 - 1964

Trong bối cảnh mối đe dọa từ những tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô, Carpenter dành phần lớn thời gian của mùa Xuân năm 1960 huấn luyện và thực hành tìm-diệt chống tàu ngầm cùng các tàu sân bay Yorktown (CVS-10), Hancock (CVA-19)Ranger (CVA-61). Đến cuối tháng 6, nó hoạt động trong vai trò canh phòng máy bay trong khuôn khổ Chiến dịch Cosmos phục vụ cho chuyến đi của Tổng thống Dwight D. Eisenhower nhằm viếng thăm hữu nghị vùng Viễn Đông. Sau đó con tàu thực hiện chuyến đi thực tập cho học viên sĩ quan kéo dài sáu tuần lễ, hoàn tất vào ngày 26 tháng 7, rồi trải qua một giai đoạn bảo trì cặp bên mạn tàu tiếp liệu khu trục Bryce Canyon (AD-36). Nó dành phần lớn thời gian của tháng 9 trong ụ tàu để sửa chữa lườn tàu.[1]

Khởi hành vào ngày 17 tháng 10, 1960 cho lượt phục vụ thứ tám tại Viễn Đông, Carpenter tham gia đội đặc nhiệm chống tàu ngầm của Đệ Thất hạm đội, và đã thực hành huấn luyện cùng các tàu sân bay Hornet, Hancock và Bennington (CVS-20). Vào đầu năm 1961, khi có nguy cơ lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòaPathet Lào sẽ lật đổ chính phủ Hoàng gia thân phương Tây tại Lào, chiếc tàu khu trục được phái đến tuần tra trong biển Đông nhằm ngăn ngừa xung đột lan rộng.[10]

Sau khi quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 26 tháng 4, 1961, Carpenter đi vào Xưởng hải quân Trân Châu Cảng vào ngày 22 tháng 5 để nâng cấp các cảm biến và vũ khí chống ngầm. Khi rời xưởng tàu vào tháng 8, nó được bổ sung một sàn đáp cho máy bay trực thăng và bộ sonar AN/SQS-26 để nâng cao khả năng phát hiện tàu ngầm. Nó dành trọn thời gian còn lại của năm 1961 cho việc huấn luyện ôn tập và thử nghiệm thiết bị mới.[10]

Vào ngày 29 tháng 1, 1962, Carpenter tham gia cuộc Tập trận "Prairie Wolf" phối hợp cùng các tàu ngầm chạy diesel Tang (SS-563)Gudgeon (SS-567), nhằm tiếp tục thử nghiệm khả năng phát hiện tàu ngầm về hệ thống vũ khí chống ngầm. Các đợt tập trận trong những tháng tiếp theo được nó dành cho thử nghiệm vũ khí, sonar, radar, thiết bị phản công điện tử và thực hành ngư lôi chống tàu ngầm. Xen kẻ vào đó là những lần phục vụ canh phòng máy bay cho tàu sân bay Hancock và thử nghiệm đánh giá năng lực phát hiện tàu ngầm của sonar SQS-32 khi tập trận phối hợp cùng tàu ngầm hạt nhân Seadragon (SSN-584). Vào ngày 20 tháng 2, nó tham gia vào Chương trình Mercury khi phục vụ như tàu thu hồi dự phòng cho chuyến bay Friendship 7 đưa phi hành gia John Glenn lên quỹ đạo trái đất.[10]

Sau một lượt tập trận tìm-diệt chống tàu ngầm khác phối hợp cùng tàu khu trục hộ tống Sproston (DDE-577) và tàu ngầm chạy diesel Bashaw (SS-241) vào ngày 23 tháng 5, Carpenter quay trở lại Trân Châu Cảng và được sửa chữa cặp bên mạn chiếc Bryce Canyon trong ba tuần. Nhằm chuẩn bị cho đợt biệt phái tiếp theo sang Viễn Đông, con tàu tiếp tục tập trận chống tàu ngầm, thực hành tiếp liệu bằng máy bay trực thăng và canh phòng máy bay. Trong một cuộc tập trận, nó đã buộc tàu ngầm “đối phương” Tiru (SS-416) phải nổi lên mặt nước.[10] Nó được xếp lại lớp như một tàu khu trục và mang lại ký hiệu lườn cũ DD-825 vào ngày 29 tháng 6.[1]